• CSKH và đặt lịch hẹn khám: 0867.995.115

    Vận chuyển cấp cứu 24/7: 0964.24.24.26

Những điều cần biết về thức ăn tốt cho sức khỏe trong những ngày tế nguyên đán

Ngày 28/1/2021

Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

      Cùng với thịt mỡ và bánh chưng, dưa hành là một món ăn không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của người Việt. Tuy vậy, sẽ không an toàn và tốt cho sức khỏe nếu người ăn không có hiểu biết về món ăn này.

      Các loại dưa món như dưa cải, hành củ, kiệu muối, su hào, cà rốt muối đa phần đều có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt rất dễ ăn. Nó có tác dụng làm giảm ngấy, kích thích vị giác tạo sự ngon miệng hơn khi ăn kèm những món béo ngậy như thịt mỡ, bánh chưng... Tuy nhiên, các chuyên gia về phòng chống bệnh ung thư luôn khuyên, nên hạn chế sử dụng thực phẩm muối, ủ chua như thế. Các loại thức ăn muối mặn như: Dưa, cà pháo, hành, kiệu muối… làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày do có chất nitrosamin. Tuy nhiên ở những người ăn thường xuyên thực phẩm đó thì mới có nguy cơ cao, còn nếu biết cách ăn uống vừa phải và ăn kèm với các thực phẩm chống ung thư như rau xanh, củ quả và hoa quả tươi thì không đáng ngại.

Dưa, cà muối chua có tác dụng kích thích tiêu hóa nhờ men lactic,

giúp ăn ngon miệng hơn, tốt cho tiêu hóa

      Tuy nhiên, nếu ai đó có thói quen ăn dưa muối còn cay, đặc biệt là dưa, cà muối sổi thì hãy cảnh giác. Bình thường, trong rau cải hàm lượng nitrit chỉ còn ở dạng vết, nhưng khi muối dưa thì hàm lượng nitrit tăng lên trong vài ngày đầu do quá trình vi sinh khử nitrat có trong rau thành nitrit, nhưng nitrit giảm dần và hết hẳn khi dưa, cà đã chua (dưa ngả vàng), trong 3 -4 ngày sau đó, hàm lượng nitrit lại bắt đầu tăng lên, nếu dưa bị khú thì hàm lượng nitrit rất cao. Khi nitrit đi vào cơ thể sẽ tác dụng với protein trong các thức ăn khác như thịt, cá, tôm…sẽ tạo thành hợp chất nitrosamin có khả năng gây ung thư.

      Vì thế các chuyên gia khuyên rằng đối với dưa, cà, hành củ muối… chỉ nên ăn khi đã muối chua, không ăn dạng muối sổi hay đã bị khú.

      Đặc biệt cần lưu ý khi hành muối, dưa muối để quá lâu rồi bị nổi váng hoặc mốc đen thì tuyệt đối không nên ăn. Những vi nấm có trong các loại thực phẩm bị mốc đó, có thể đã sản sinh ra một số loại độc tố gây hại cho sức khỏe.

      Tuy nhiên, ngay cả khi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì cũng không nên ăn dưa muối, cà muối quá nhiều và liên tục. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, giá trị dinh dưỡng có trong dưa muối không nhiều. Nó chỉ cung cấp men tiêu hóa, một số vitamin, đường bột và thành phần đạm rất ít. Hơn nữa, dưa muối thường có vị mặn, ăn nhiều sẽ gây hại cho thận, tim đặc biệt dễ dẫn đến tăng huyết áp.

      Do đó, người có bệnh tim,  tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, viêm loét dạ dày không nên ăn dưa muối chua vì chúng chứa nhiều muối, men tiêu hóa cao, có thể gây ra những biến chứng bất lợi cho sức khỏe. Những người có hệ tiêu hóa không tốt, mắc các bệnh như xơ gan cổ trướng, viêm loét dạ dày... không nên ăn nhiều dưa, cà muối. Ngoài ra, người ốm hoặc vừa ốm dậy cũng cần hạn chế ăn.

      Vì vậy, mặc dù dưa món là một món ăn kèm rất ngon miệng nhưng mỗi người hãy lựa chọn cho mình những thực phẩm phù hợp để đảm bảo sức khỏe vui xuân đón tết./.

Thùy Dung

    Tổ Biên tập Website Bệnh viện