• CSKH và đặt lịch hẹn khám: 0867.995.115

    Vận chuyển cấp cứu 24/7: 0964.24.24.26

Các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1, H5N6.

Ngày 17/2/2020

Phòng QLCL & CTXH – Bệnh viện Phổi Nghệ An

tổng hợp các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1, H5N6.

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A chủng H5N1 và H5N6 gây ra với các triệu chứng: Sốt trên 38 độ C, ho, khó thở, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.

          Virút cúm A/ H5N1, H5N6 có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi, họng, phân gia cầm bệnh. Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ… bị nhiễm phân, chất tiết của gia cầm bệnh sẽ dễ bị mắc bệnh.

Dưới đây là những khuyến cáo phòng chống dịch cúm A/H5N1, H5N6:

1 . Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

- Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.

- Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rủa tay với xà phòng…

- Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.

- Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

 - Chủ động tiêm phòng vaccin phòng bệnh cúm đối với các chủng cúm đã có vaccin.

- Không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virut mà cần phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của nhân viên y tế.

2. Đối với bệnh nhân:

- Những người đã được xác định hoặc nghi ngờ mắc cúm A/H5N1 phải được cách ly tại bệnh viện. Thiết lập khu điều trị riêng để điều trị bệnh  nhân cúm, phòng chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch cúm tại cơ sở y tế. Hạn chế chuyển tuyến các trường hợp nhẹ.

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên dưới vòi nước  bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

-Người bệnh phải luôn mang khẩu trang y tế trong thời gian điều trị cũng như khi di chuyển trong bệnh viện. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Các chất thải của bệnh nhân nhất là chất thải nôn, đờm, rãi.... phải chứa trong bô có nắp đậy kín và khử khuẩn triệt để bằng Cloramin B.

3. Triển khai các biện pháp xử lý khu vực ổ dịch

a. Đối với gia cầm bị bệnh

- Tổ chức giám sát đàn gia cầm để phát hiện sớm ổ dịch gia cầm để thông báo kịp thời cho chính quyền, cơ quan thú y và y tế xử lý kịp thời.

- Tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm bị bệnh bằng 2 biện pháp:

+ Đốt: đào hố, đốt dưới hố với củi, rơm, rạ hoặc dầu sau đó lấp đất lại hoặc đốt bằng lò đốt chuyên dụng

+ Chôn: đào hố sâu, rộng tuỳ thuộc vào số lượng gia cầm nhiều hay ít, tối thiểu cách mặt đất 1m, đáy và thành hố được lót bằng nilông chống thấm. Gia cầm chôn phải đựng trong bao, bên trong có hoá chất khử khuẩn. Việc chôn, đốt phải đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Những người thực hiện việc tiêu huỷ gia cầm phải có trang bị bảo hộ phòng lây nhiễm.

- Cấm giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm bị bệnh từ nơi này sang nơi khác.

- Các trại chăn nuôi, các chuồng gia cầm gần ổ dịch phải được quản lý chặt chẽ:

+ Không được chăn thả tự do và phải thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như cách ly chuồng trại bằng tường hoặc hàng rào, lưới bảo vệ nhằm ngăn chặn mầm bệnh từ các loài khác xâm nhập.

+ Các phương tiện, dụng cụ chăn nuôi nên riêng biệt và vệ sinh tiêu độc sau khi sử dụng.

+ Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc sát khuẩn định kỳ 1-3 lần/ tuần tuỳ theo mức độ và tính chất nguy cơ của dịch bệnh. Những người vào khu chăn nuôi phải thực hiện biện pháp khử khuẩn trước và sau khi ra vào chuồng nuôi.

b. Xử lý môi trường

Tại khu vực có bệnh nhân hay người nghi ngờ mắc cúm A/H5N1, tổ chức ngay các biện pháp điều tra và xử lý như sau:

- Phun hoá chất khử khuẩn trong phạm vi ổ dịch bằng Chloramin B với nồng độ 2-5%. Thời gian thực hiện càng sớm càng tốt. Tiến hành phun 2-3 lần cách nhau 2-3 ngày.

- Tuỳ tình hình thực tế xác định bán kính phun khử khuẩn phù hợp về mặt dịch tễ học.

- Địa điểm phun là những nơi nghi có vi rút cúm A/H5N1.

c. Khử khuẩn đối với các phương tiện vận chuyển

c. Xử lý người bệnh tử vong.

- Người bệnh tử vong phải được khâm niệm tại chỗ theo quy định của phòng chống dịch đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm, phải được khử khuẩn bằng hoá chất Chloramin B 5%.

- Chuyển người bệnh tử vong đến nơi chôn cất hay hoả táng bằng xe riêng và đảm bảo đúng quy định trong phòng lây nhiễm. Trong khoảng thời gian 24 giờ sau khi tử vong phải được chôn cất hoặc hoả táng.

Nguồn: Bộ y tế; Baothaibinh.com.vn

                                                                             BsCKI Nguyễn Thị Thủy