Sáng ngày 06/7/2021, Ekip bác sĩ, điều dưỡng - phòng nội soi của Bệnh viện Phổi Nghệ An đã tiến hành gắp thành công dị vật bị bỏ quên khoảng 1 năm ở phế quản gốc trái là một hạt hồng xiêm cho bệnh nhân, bằng phương pháp gắp dị vật qua ống nội soi mềm.
Đây là trường hợp một bệnh nhân nữ, 56 tuổi, trú tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu được chuyển từ Bệnh viện đa khoa huyện vào Bệnh viện Phổi Nghệ An trong tình trạng ho khạc đờm vàng, tức ngực, khó thở với chẩn đoán xẹp phổi chưa rõ nguyên nhân/viêm phổi.

Bác sĩ, điều dưỡng đang tiến hành gắp dị vật cho bệnh nhân
Bệnh nhân được vào khoa Nội 5 điều trị, Bác sĩ Nguyễn Thị Bích đã thăm khám và phát hiện được khoảng 1 năm trước trong lúc ăn quả hồng xiêm thì bệnh nhân có ho sặc sụa rồi trở về trạng thái bình thường. Từ đó trở đi bệnh nhân thường xuyên bị ho, tức ngực và khó thở, đã đi khám và uống thuốc điều trị nhiều đợt tại một vài cơ sở y tế trong khoảng 1 năm nhưng các triệu chứng ngày một nặng hơn. Khi khai thác được bệnh sử kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ Nguyễn Thị Bích đã hội chẩn với lãnh đạo và nhận định bệnh nhân có thể bị hóc dị vật nên ngày 02/7 đã cho bệnh nhân nội soi phế quản và phát hiện có dị vật là một hạt hồng xiêm gây bít tắc gần hoàn toàn phế quản gốc trái, niêm mạc xung quanh phù nề xung huyết, có nguy cơ chảy máu cao nên bác sĩ đã cho dừng nội soi để điều trị một đợt kháng sinh, kháng viêm. Đến sáng ngày 06/7, sau khi điều trị ổn định, ekip bác sĩ, điều dưỡng – phòng nội soi tiếp tục tiến hành nội soi lần 2 gắp dị vật cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị nội soi, bệnh nhân lo lắng, sợ hãi nhiều nên ekip đã nhẹ nhàng ân cần, động viên để trấn an tinh thần cho bệnh nhân yên tâm. Sau khoảng 30 phút, ekip đã tiến hành gắp thành công dị vật “hạt hồng xiêm” ra khỏi phổi trái của bệnh nhân.

.jpg)
Hình ảnh dị vật “hạt hồng xiêm”

Điều dưỡng Phòng nội soi đang động viên bệnh nhân
Dị vật phế quản là trường hợp các vật lạ rơi vào và mắc lại ở trong lòng phế quản của bệnh nhân. Đây là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em gặp nhiều hơn so với người lớn. Khi dị vật rơi vào trong đường hô hấp mà không gây ra hội chứng xâm nhập rõ hoặc bệnh nhân không biết, không để ý và không được chẩn đoán trong quá trình khám chữa bệnh thì sẽ trở thành dị vật phế quản bỏ quên. Y văn thế giới cũng như Việt Nam đã từng ghi nhận rất nhiều trường hợp dị vật phế quản bỏ quên và cá biệt có bệnh nhân được ghi nhận sau 42 năm mới được chẩn đoán và gắp dị vật ra khỏi phế quản. Dị vật phế quản bỏ quên thường viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, áp xe phổi, xẹp phổi, ho ra máu và thường khó chẩn đoán. Nguy cơ biến chứng và tổn thương phổi tăng lên theo thời gian mà dị vật chưa được lấy ra, nên quan trọng là phải chẩn đoán và lấy dị vật phế quản bỏ quên càng sớm càng tốt. Nội soi phế quản ống mềm gắp dị vật ngày nay được xem là phương pháp điều trị an toàn, triệt để, hiệu quả nhất đối với dị vật phế quản nhất là với các dị vật bỏ quên lâu ngày.
Phòng nội soi - Bệnh viện Phổi Nghệ An từ khi thành lập đến nay đã gặp rất nhiều trường hợp dị vật phế quản như vỏ ốc, hạt na, hạt ngô, xương gà, xương cá,… Và tỉ lệ lấy dị vật thành công gần như 100%. Điều này phản ánh trình độ chuyên môn của các bác sĩ, điều dưỡng của phòng nội soi. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Bệnh viện luôn tạo điều kiện cho các bác sĩ, điều dưỡng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng nội soi nói riêng và chất lượng Bệnh viện nói chung để hướng tới sự hài lòng hơn nữa của bệnh nhân./.
Nghi Lộc, tháng 7 năm 2021
Thanh Hà
Tổ Biên tập Website Bệnh viện Phổi Nghệ an