• CSKH và đặt lịch hẹn khám: 0867.995.115

    Vận chuyển cấp cứu 24/7: 0964.24.24.26

Một trường hợp mắc bệnh Whitmore nguy kịch được cứu sống

Ngày 26/8/2020

Khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc, Bệnh viện Phổi Nghệ An xác nhận đã điều trị thành công và cứu sống một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore trong tình trạng hết sức nguy kịch sau hơn 1 tháng nằm viện.

Đó là bệnh nhân Nguyễn Khắc Toàn (49 tuổi, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh) tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Trước khi vào viện khoảng 2 tuần bệnh nhân xuất hiện sốt cao, ho khạc đờm đục, tức ngực khó thở đã đi khám và điều trị một vài cơ sở khám chữa bệnh. Nhưng bệnh không có dấu hiệu cải thiện vẫn còn sốt, ho khạc đờm, khó thở nhiều nên vào khám và nhập viện tại Bệnh viện Phổi Nghệ An.

Theo BS.CKI. Nguyễn Thị Hằng – Phó Trưởng khoa HSCC-CĐ, Bệnh viện Phổi Nghệ An là bác sĩ theo dõi và điều trị trực tiếp cho biết: ngày 17/7/2020 khi mới nhập viện bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, mệt nhiều, khó thở và phù toàn thân. Lúc này bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng theo dõi sốc nhiễm khuẩn. Nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp, qua thăm khám và khai thác từ người bệnh, người bệnh có những dấu hiệu chỉ điểm (bệnh nhân là thợ xây, chân tay có nhiều vết xước và có tình trạng sốc nhiễm khuẩn) nên các bác sĩ tại khoa HSCC-CĐ đã nghĩ đến bệnh nhân bị mắc một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm mang tên Whitmore (bệnh melioidossis) - căn bệnh bị “lãng quên” gần đây xuất hiện nhiều trở lại. Và kết quả cấy mẫu bệnh phẩm dương tính đúng như chẩn đoán ban đầu. Bệnh nhân được chuyển phác đồ điều trị đặc hiệu theo hướng bệnh Whitmore.

Bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy xâm nhập

Khó khăn đặt ra là bệnh nhân đã được điều trị trước đó nhiều ngày không đỡ, tình trạng khi vào viện đã nặng lên rất nhiều. Qua ba ngày điều trị tại khoa bệnh vẫn không thuyên giảm, vẫn xuất hiện sốt cao liên tục, khó thở tăng lên và dẫn đến hiện tượng suy hô hấp cấp vì hiện tượng viêm phổi ngày càng lan tỏa và nặng lên, phải đặt nội khí quản thở máy xâm nhập để cứu sống người bệnh. Có thời điểm gia đình không còn hy vọng người bệnh có thể hồi phục trở lại vì tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân ngày càng diễn biến xấu đi. Nhưng các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa vẫn quyết tâm, thuyết phục gia đình kiên trì cứu chữa cho bệnh nhân.

Sau một thời gian điều trị tích cực đến ngày thứ 16 tình trạng bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm và đáp ứng dần với điều trị. Các chỉ số xét nghiệm và phim X-quang tốt lên từng ngày. Đến ngày 20/8 sau hơn 1 tháng nằm điều trị bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.


Bệnh nhân Nguyễn Khắc Toàn trước ngày xuất viện (ngày 20/ 8/2020)

Theo BS.CKI. Nguyễn Thị Hằng, đây là một trong những ca Whitmore nặng, nguy kịch, diễn biến kéo dài nhiều lúc tưởng chừng “bó tay” nhưng với sự cố gắng nỗ lực của các bác sỹ, điều dưỡng khoa HSCC-CĐ cùng với sự cộng tác từ người nhà trong công tác chăm sóc và điều trị tích cực cho người bệnh, cuối cùng cũng đã thành công, người bệnh đã thoát khỏi lưới hái của tử thần vì căn bệnh nặng và hiểm nghèo đã từng đe dọa mạng sống của họ.

 Bệnh Whitmore thường có các dấu hiệu lâm sàng đa dạng phức tạp nên dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Bệnh có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Thành công này là sự đúc kết về trình độ và năng lực chuyên môn, về kinh nghiệm, sự chăm sóc toàn diện và công tác điều trị tích cực của các bác sỹ, điều dưỡng tại khoa HSCC-CĐ, Bệnh viện Phổi Nghệ An./.

Nguyễn Thị Hà

Tổ Biên tập Website Bệnh viện